Khu du lịch Cồn Phụng nằm trên cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách trung tâm Tp. Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông). Cồn Phụng có diện tích 50ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ, nghề làm kẹo dừa và trồng cây ăn trái.
Sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây gắn liền với các nghề thủ công được sản xuất từ dừa. Hàng chục sản phẩm thủ công từ đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng ra đời như: giỏ, đũa, thìa, lục bình, chân đèn... được làm từ thân, xơ, lá, sợi, gáo của cây dừa rất tinh tế và độc đáo. Du khách đến đây sẽ có dịp chứng kiến tận mắt quy trình làm các sản phẩm được chế tác từ dừa và có thể chọn cho mình một sản phẩm dễ thương làm quà lưu niệm, hay tặng cho bạn bè.
Người dân nơi đây với bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ đã biến những thứ có giá trị thấp của cây dừa như gáo dừa, cọng lá dừa,… thành những sản phẩm đặc sắc, với hàng trăm mẫu mã phong phú, nhiều tác phẩm độc đáo có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Từ chiếc gáo dừa đơn sơ người ta có thể cắt ghép thành những tác phẩm mỹ thuật với nhiều sắc màu đen, trắng, vàng, nâu,… rất đặc biệt.
Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác,
hình tranh cây dừa Bến Tre và cô gái mặc chiếc áo dài thướt tha đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát,... hầu hết được chế tác từ dừa.
Bên cạnh nghề làm thủ công mỹ nghệ. Ở Cồn Phụng còn có mô hình làm kẹo dừa. Đây là đặc sản không thể không nhắc đến khi du khách đến với Bến Tre. Đến đây du khách sẽ được thăm quan qui trình làm ra chiếc kẹo dừa như thế nào.
Quy trình làm kẹo dừa tại nơi đây:- Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa phải là dừa khô, cơm dừa phải dầy, có độ béo cao và màu trắng.
- Dùng dụng cụ lột vỏ dừa, lấy cơm dừa và cho vào máy xay.
- Cho tất cả cơm dừa xay nhuyễn vào một cái bao và dùng máy ép lấy nước cốt dừa.
- Phần nước cốt dừa sau khi ép ra có thể cho thêm nguyên liệu phụ vào như: sầu riêng, lá dứa, sôcôla, dâu và phải cho mạch nha vào.
- Cho tất cả nguyên liệu trên vào một cái chảo rồi cho lên bếp, khuấy đều tay liên tục.
- Đợi đến khi phần nước cốt cô đặc và chuyển màu, người ta sẽ cho lên khuôn (khuôn đã được bôi trơn một lớp dầu dừa để chống dính).
- Tiếp tục dùng dao cắt ra làm nhiều thanh kẹo theo kích thước định sẵn. Lúc này người ta có thể cho thêm nguyên liệu lần cuối vào để kẹo có nhiều mùi vị khác nhau như : đậu phộng đâm nhuyễn, kết hợp màu xanh của kẹo dừa lá dứa rồi hòa vào kẹo sầu riêng. - Hoặc muốn tạo ra kẹo dừa sầu riêng sôcôla thì cho thanh kẹo nửa màu trắng, nửa màu đen ... nhằm đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng.
Sau đó cắt ra thành từng viên nhỏ đúng kích cỡ của viên kẹo.
- Phần cuối cùng là gói kẹo trong một lớp bánh tráng mỏng phía bên ngoài. Bánh tráng này ăn được và có tác dụng rút ẩm cho kẹo và gói thêm một lớp giấy.
- Cho vào hộp với số lượng kẹo vừa đủ là hoàn tất công đoạn làm kẹo dừa.
Cùng với nghề làm kẹo dừa là nghề làm bánh tráng. Bánh tráng có từ lâu đời và nổi tiếng là bánh tráng Mỹ Lồng (Giồng Trôm). Tại khu du lịch Cồn Phụng, bánh tráng cũng là nghề phổ biến và thu hút khách thập phương đến đây tìm hiểu.
Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là bột gạo pha lỏng vừa phải với nước. Cho vào đó một ít bột sắn với một tỷ lệ hợp lý để bánh có thêm độ dẻo, ít bị bể và dễ tráng mỏng (nếu pha nhiều bột sắn sẽ làm cho bánh có vị chua). Ngoài ra còn có các các phụ gia khác như mè, muối, đường, tiêu, tỏi, dừa, hành,...
Qui trình làm bánh tráng: Dùng một cái gáo múc bột đổ lên trên một tấm vải được căng sẵn trên một cái miệng nồi to có nước đang sôi bên trong. Sau đó dùng gáo dừa trải đều một lớp bột thật mỏng theo hình tròn (thao tác này gọi là tráng bánh), động tác này đòi hỏi phải khéo léo, nhanh nhẹn (có thể rắc thêm mè lên trên). Đợi khi bánh chín, dùng một thanh tre mỏng hoặc một chiếc ống luồn dưới bánh để gỡ bánh ra, trải trên một cái vỉ được đan bằng tre rồi đem phơi nắng.
Độ dầy hay mỏng của bánh được quy định tùy vào mục đích sử dụng. Nếu để nướng thì làm dày nhất, cuốn ướt thì vừa vừa và làm nem thì phải thật mỏng.
Có thể nói, khu du lịch Cồn Phụng không chỉ giới thiệu, bán sản phẩm từ dừa, mà còn hấp dẫn du khách với các hoạt động ẩm thực vùng sông nước với các món ăn dân dã đậm chất quê dừa.
Sau bữa ăn, du khách có thể ngả lưng trên những chiếc võng rợp bóng mát trong khu vườn nhãn.
Nếu du khách muốn vui chơi, có thể câu cá sấu, hay chụp hình lưu niệm đi trên chiếc cầu khỉ dễ thương… chắc chắn du khách sẽ thích thú.
Bên cạnh việc phục vụ vui chơi giải trí, khu du lịch Cồn Phụng còn có hệ thống nhà hàng – khách sạn thật thoáng mát nhưng cũng không kém phần sang trọng với địa thế dân dã, hữu tình của vùng sông nước.
Ngoài ra, khi đến với Cồn Phụng du khách có thể tìm hiểu rõ hơn về Đạo Dừa thông qua các di tích Đạo Dừa hiện được bảo tồn với các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén có một đỉnh cao lớn.
Không chỉ thế, đến đây du khách còn có thể tận mắt chứng kiến ngôi nhà gỗ đang đứng sừng sững trong tư thế rất trang nghiêm với kiến trúc cổ xưa giúp chúng ta hình dung ra những ngôi nhà cổ kính ngày xưa.
Với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Cồn Phụng và do bàn tay con người tạo nên, Cồn Phụng đã là một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cùng nhau hội tụ về đây thăm quan, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi… cùng hòa mình vào không gian sông nước miệt vườn đầy lý thú.
Cồn Phụng – Điểm đến lý tưởng
TTXTDL Bến Tre